Căn cứ công văn số 134/TTYT ngày 25/3/2024 của Trung tâm y tế huyện Đan Phượng về việc đảm bảo công tác vệ sinh phòng chống dịch trong trường học Trường mầm non Liên Trung xin gửi đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh bài tuyên truyền về cách nhận biết và phòng chống các dịch bệnh có nguy cơ cao: dịch sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, thủy đậu, ho gà… như sau:
I. BỆNH TAY-CHÂN-MIÊNG:
1. Bệnh Tay - chân - miệng là gì?
Tay - chân - miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em. Bệnh lây theo đường tiêu hoá và dễ phát triển thành dịch.
Bệnh do virút gây ra, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
2. Ai có thể mắc bệnh Tay - chân - miệng?
Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi, cũng có thể gặp ở người lớn, nhưng thường gặp nhiều hơn ở trẻ dưới 5 tuổi, tập trung nhiều ở trẻ dưới 3 tuổi, đỉnh cao ở trẻ từ 1-2 tuổi.
3. Những biểu hiện chính của bệnh Tay - chân - miệng:
Bệnh biểu hiện ban đầu bằng sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, nổi phỏng (bóng) nước.
Phỏng (bóng) nước trong miệng thường thấy ở lợi, lưỡi và mặt trong của má. Ban đầu là những chấm đỏ xuất hiện 1 - 2 ngày sau khi sốt, tiến triển thành phỏng (bóng) nước vỡ ra thành vết loét. Phỏng (bóng) nước cũng xuất hiện ở da, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân...
BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
4. Bệnh Tay - chân - miệng lây truyền như thể nào?
Bệnh lây trực tiếp từ người sang người:
- Qua trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, phỏng (bóng nước bị vỡ).
- Qua tiếp xúc giữa trẻ em với nhau hoặc tiếp xúc với đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà... bị nhiễm vi rút.
- Qua đường tiêu hóa do ăn uổng phải thực phẩm chứa vi rút.
5. Cách phòng bệnh:
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh
Tay - chân - miệng mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch nhất là trước khi ăn và sau khi vệ sinh.
- Người chăm sóc trẻ cũng cần rửa tay nhiều lần nhất là khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.
- Không cho trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng.
- Cho trẻ ăn chín uống chín, dùng riêng thìa, bát.
- Thu gom, xử lý phân và chất thải của trẻ.
- Thường xuyên vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, vận dụng của trẻ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn.
6. Nên làm gì khi trẻ bị mắc bệnh?
- Khi thấy trẻ sốt và xuẩt hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.
- Khi trẻ bị bệnh phải cho trẻ nghỉ học, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác.
- Không làm vỡ các nốt phỏng để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh.
- Hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho trẻ ăn thức ăn lỏng mềm như cháo, súp.
II. BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
1. Nguyên nhân, cách lây truyền của bệnh:
- Bệnh SXH do virus Dengue (Đen- gơ) gây nên. Virus Dengue lây truyền từ người bệnh sang người lành qua loài muỗi có tên là Aedes aegypti (An-des-ê-gyp-ti) thường được gọi là muỗi vằn.
- Muỗi vằn có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng. Muỗi thường đậu ở quần áo, chăn, màn trong nhà.
- Muỗi vằn hoạt động hút máu và ban ngày, cao nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
2. Biểu hiện của bệnh:
- Sốt cao đột ngột, kéo dài từ 2-7 ngày, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức các khớp.
- Có ban đỏ, xuất huyết da, chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài phân đen…
3. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:
Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
+ Thau rửa các bể chứa nước thường xuyên.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, vỏ hộp sữa…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa.
- Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay. Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
* Vì sức khỏe của mỗi gia đình và của cả cộng đồng, nhà trường kêu gọi tất cả mọi người hãy quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết với khẩu hiệu: “Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết”
Nếu nghi ngờ mắc bệnh hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
III BỆNH THỦY ĐẬU
1. Nguyên nhân gây bệnh:
-
Thủy đậu là bệnh do virus varicella-zoste, bệnh rất dễ lây cho những người không miễn dịch với nó.
- Các cơ sở chăm sóc trẻ em như trường học và gia đình là nơi rất dễ lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với phát ban hoặc qua những bụi nước có chứa virus gây bệnh khi người bệnh hắt hơi và ho.
- Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em. Bệnh xảy ra ở người lớn nặng hơn trẻ em.
- Bệnh có thể rải rác hoặc bùng phát thành các vụ dịch lớn nhỏ ở nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém.
2. Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh:
- Triệu chứng thường xuất hiện từ 14-16 ngày sau lần tiếp xúc đầu tiên với người bệnh.
- Biểu hiện của bệnh:
+ Sốt nhẹ từ 1-2 ngày; Cảm giác mệt mỏi, chán ăn, đau mỏi người và toàn thân phát ban.
+ Ban thủy đậu thường dưới dạng chấm đỏ lúc đầu sau đó phát triển thành các mụn nước. Đầu tiên ban mọc ở đầu, mặt, cổ, thân người và các chi. Ban thủy đậu thường rất ngứa.
3. Cách chăm sóc và phòng bệnh:
Cách phòng ngừa tốt nhất là tiêm vaccine và tiêm một liều duy nhất 0,5ml cho trẻ từ 1 – 12 tuổi. Đối tượng từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều, cách nhau từ 6 – 10 tuần. Khi tiêm chủng cần chú ý những điều sau:
+ Việc chủng ngừa thủy đậu không chỉ cần tiến hành với trẻ em, là đối tượng chính của bệnh này, mà còn ở cả người lớn. Những người lớn khi mắc bệnh cũng gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí còn nặng hơn cả trẻ nhỏ nên chích ngừa là hoàn toàn cần thiết. Phụ nữ trước khi có ý định mang thai từ 2-3 tháng cần đi tiêm vắc xin để bảo vệ sức khỏe cả mẹ và bé.
+ Không tiêm vacxin thủy đậu khi đang sốt hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, người mẫn cảm với các thành phần của vắc xin, người bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, phụ nữ đang mang thai.
- Trong khi dịch bệnh có mặt ở khắp nơi thì cách ly với nguồn bệnh là một biện pháp an toàn giúp ngăn chặn lây lan. Trong trường hợp bắt buộc phải đến những nơi: bệnh viện, bến xe... cần cho trẻ đeo khẩu trang y tế, vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn ngay sau đó. Ngoài ra, bố mẹ cần đảm bảo cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, nâng cao sức đề kháng, vệ sinh cơ thể, giữ tay sạch sẽ, tránh nguồn lây bệnh.
- Bố mẹ cũng có thể tăng cường hệ miễn dịch cho bé bằng cách cho bé sử dụng các loại thực phẩm chức năng giúp nâng cao sức đề kháng và hệ thống miễn dịch. Ưu điểm nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt, và thường là không bị biến chứng.
- Thời gian ủ bệnh của thuỷ đậu là từ 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, do đó, nếu một người chưa được tiêm phòng vaccine thuỷ đậu mà có tiếp xúc với bệnh nhân thuỷ đậu, trong vòng 3 ngày ta có thể tiêm ngừa thì vaccine có thể phát huy tác dụng bảo vệ ngay sau đó giúp phòng ngừa thủy đậu
* Chữa bệnh thủy đậu cho trẻ nhanh hết
- Cách ly trẻ: Nếu trẻ mắc bệnh thủy đậu cần cách ly trẻ với những người khác. Tất cả đồ dùng cá nhân của trẻ như bát đũa, khăn mặt, bàn chải đánh răng… phải dùng riêng.
- Vệ sinh chăm sóc trẻ: Rửa tay và cắt ngắn móng tay cho trẻ. Trẻ nhỏ phải cho mang bao tay để tránh cào gãi vào các nốt thủy đậu.
- Cần giữ vệ sinh cho trẻ bằng cách: Dùng nước ấm và khăn mềm thấm nước lau người cho trẻ, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm trợt các nốt thủy đậu. Sau đó dùng khăn xô thấm khô người và mặc quần áo cho trẻ.
- Đối với khẩu phần ăn hàng ngày cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin như cam, chuối,…
- Đưa bé đi khám bác sĩ: Khi trẻ có các biểu hiện của thủy đậu, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và có chỉ định điều trị phù hợp. Thông thường bác sĩ sẽ cho trẻ dùng thuốc hạ sốt (nếu trẻ sốt cao), kháng sinh (để chống bội nhiễm) và thuốc bôi ngoài da. Việc dùng thuốc gì phụ thuộc vào cơ địa của từng trẻ và phải theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong quá trình điều trị và chăm trẻ vẫn cần chú ý theo dõi kỹ tình trạng của trẻ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao không hạ nhiệt hoặc đã hạ sốt nhưng đột nhiên sốt cao trở lại; các mụn thủy đậu bị vỡ gây trầy xước da, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
* Các quan niệm sai lầm
- Kiêng tắm, kiêng ăn: Làm như vậy bé sẽ dễ bị nhiễm trùng do da ẩm ướt không sạch. Kiêng ăn sẽ làm trẻ suy dinh dưỡng thêm, giảm sức đề kháng khó lành bệnh.
- Kiêng gió, trùm kín để xổ ra hết không lậm vào nội tạng. Điều này sai vì trẻ ra càng ít là sức đề kháng tốt và ít biến chứng hơn.
Qua bài tuyên truyền hôm nay, kính mong tất cả mọi người hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh thủy đậu, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng… Từ đó tự biết cách bảo vệ, chăm sóc bản thân, những người trong gia đình và những người xung quanh./.
Liên Trung, ngày 02 tháng 04 năm 2024
NVYT